Spread là gì?
Spread có thể có nhiều nghĩa trong tài chính. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng đều đề cập đến sự khác biệt (chênh lệch) giữa hai mức giá, tỷ lệ hoặc lợi suất. Bài viết giới thiệu các bạn tìm hiểu spread là gì, cũng như những nghĩa thường gặp của “spread” trong tài chính.
Theo một trong những định nghĩa phổ biến nhất, spread là khoảng cách giữa giá đặt mua và giá bán của một loại chứng khoán hoặc tài sản, như cổ phiếu, trái phiếu hoặc hàng hóa. Đây được gọi là chênh lệch giá mua-bán (bid-ask spread).
Spread cũng có thể đề cập đến sự khác biệt trong vị thế giao dịch – khoảng cách giữa vị thế bán khống (short) trong một hợp đồng tương lai hoặc tiền tệ và một vị thế mua (long) trong một hợp đồng tương lai hoặc tiền tệ khác. Đây được gọi là một giao dịch chênh lệch giá (spread trade).
Trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành, spread chỉ mức chênh lệch giữa số tiền trả cho người phát hành chứng khoán và giá mà nhà đầu tư mua chứng khoán đó — nghĩa là, chi phí mà người bảo lãnh phát hành trả để mua một chứng khoán, so với mức giá mà tại đó bên bảo lãnh phát hành bán nó cho công chúng.
Trong lĩnh vực cho vay, spread cũng có thể đề cập đến mức giá mà người đi vay trả trên lợi suất chuẩn để được vay. Ví dụ, nếu lãi suất cơ bản là 3% và một người vay thế chấp tính lãi suất 5%, thì mức chênh lệch là 2%.
Những điểm chính cần nhớ khi tìm hiểu spread là gì
- Trong tài chính, spread đề cập đến sự khác biệt giữa hai mức giá, tỷ giá hoặc lợi tức.
- Một trong những ý nghĩa phổ biến nhất là chênh lệch giá mua-bán, đề cập đến khoảng cách giữa giá đặt mua (từ người mua) và giá chào bán (từ người bán) của một chứng khoán hoặc tài sản
- Spread cũng có thể đề cập đến sự khác biệt trong một vị thế giao dịch – khoảng cách giữa một vị thế short (nghĩa là bán) trong một hợp đồng tương lai hoặc tiền tệ và một vị thế long (nghĩa là mua) trong một hợp đồng tương lai hoặc tiền tệ khác.
Bid-Ask Spread là gì? Chênh lệch giá mua-bán
Chênh lệch giá mua-bán còn được gọi là chênh lệch giá chào mua và chào bán. Loại chênh lệch giá tài sản này bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố:
- Nguồn cung hoặc “cổ phiếu thả nổi” (floating), tức tổng số cổ phiếu đang lưu hành có sẵn để giao dịch.
- Nhu cầu hoặc mối quan tâm đến một cổ phiếu, nguồn cầu.
- Tổng thể hoạt động giao dịch của cổ phiếu.
Đối với các thị trường như hợp đồng tương lai, quyền chọn, các cặp tiền tệ và cổ phiếu, bid-ask spread là chênh lệch giữa giá được đưa ra cho một lệnh đặt mua và lệnh đặt bán tốt nhất. Đối với hợp đồng quyền chọn (options), mức chênh lệch sẽ là chênh lệch giữa giá thực hiện (strike price) và giá trị thị trường (market price).
Một trong những cách sử dụng của bid-ask spread là để đo tính thanh khoản của thị trường và quy mô chi phí giao dịch của cổ phiếu. Ví dụ: vào ngày 8 tháng 1 năm 2019, giá chào mua cho Alphabet, công ty mẹ của Google, là 1073.6 đô la và giá chào bán là 1074.4 đô la. Mức chênh lệch là 80 xu, hay 0.8 đô la. Điều này cho thấy Alphabet là một cổ phiếu có tính thanh khoản cao với khối lượng giao dịch đáng kể.
Spread Trade – Giao dịch chênh lệch giá là gì?
Giao dịch chênh lệch còn được gọi là giao dịch giá trị tương đối. Spread trade là hành động mua một chứng khoán và bán một chứng khoán khác có liên quan với nhau, thực hiện đồng thời như một giao dịch hợp nhất lại. Thông thường, spread trade được thực hiện với quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai. Các giao dịch này được thực hiện để tạo ra một giao dịch ròng tổng thể với giá trị dương được gọi là chênh lệch giá.
Chênh lệch được định giá như một đơn vị hoặc như một cặp trong các sàn giao dịch hợp đồng tương lai để đảm bảo việc mua và bán chứng khoán đồng thời. Làm như vậy loại bỏ rủi ro khớp lệnh trong đó một phần của cặp spread được khớp nhưng phần khác không khớp thành công.
Yield Spread – Chênh lệch lãi suất là gì?
Chênh lệch lợi tức còn được gọi là chênh lệch tín dụng. Chênh lệch lãi suất cho thấy sự khác biệt giữa tỷ suất sinh lợi được báo giá giữa hai phương tiện đầu tư khác nhau. Những phương tiện này thường khác nhau về chất lượng tín dụng.
Một số nhà phân tích gọi yield spread là “chênh lệch lãi suất của X so với Y”. Đây thường là tỷ lệ phần trăm lợi tức đầu tư hàng năm của một công cụ tài chính trừ đi tỷ lệ phần trăm lợi tức đầu tư hàng năm của một công cụ tài chính khác.